Bệnh học Ung thư hạch Hodgkin: tổng quan, nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Mục lục [ Ẩn ]

Ung thư hạch Hodgkin là một loại bệnh ung thư hiếm gặp nhưng có tỉ lệ chữa khỏi rất cao, ít nhất là 80% trường hợp nếu được phát hiện sớm. Đọc bài viết sau để hiểu rõ hơn về bệnh học Ung thư hạch Hodgkin.

U lympho Hodgkin
U lympho Hodgkin

Tổng quan về Ung thư hạch Hodgkin

Ung thư hạch Hodgkin còn được gọi là u lympho Hodgkin hay u bạch huyết Hodgkin. Đây là một loại bệnh ung thư của các hạch bạch huyết. Các hạch bạch huyết cùng với các cơ quan và các mạch bạch huyết tạo thành hệ thống bạch huyết có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và các bệnh tật khác .

Ung thư u lympho Hodgkin có thể được chia thành 2 loại:

  • U lympho Hodgkin cổ điển: Đây là loại ung thư hạch Hodgkin phổ biến nhất, khoảng 95% trường hợp ung thư hạch Hodgkin.
  • U lympho Hodgkin, nhiều lympho bào: Bệnh này ít gặp và chủ yếu những bệnh nhân trẻ hơn.

Vào năm 2018, ước tính có 8.500 trường hợp ung thư hạch Hodgkin được chẩn đoán ở Hoa Kỳ, với khoảng 1.050 trường hợp sẽ chết vì căn bệnh này.

Nhìn chung, vài thập kỷ qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc quản lý bệnh nhân Ung thư hodgkin – hiện có thể chữa được ít nhất 80% trường hợp bệnh

Ung thư hạch Hodgkin

Nguyên nhân nào gây bệnh Ung thư hạch Hodgkin?

Cho đến nay, vẫn chưa thể xác minh được đâu là nguyên nhân gây ra bệnh u lumpho Hdgkin. Tuy nhiên, người ta tin tưởng rằng những yếu tố sau là nguy cơ gây bệnh:

  • Độ tuổi: Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư hạch Hodgkin đều nằm trong độ tuổi từ 20 đến 40 và có cao hơn ở những người từ 55 tuổi trở lên.
  • Giới tính: Bệnh hay gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới đặc biệt là ở trẻ em. 85% trường hợp xảy ra ở trẻ em trai.
  • Tiền sử bệnh gia đình: Các nghiên cứu mới đây phát hiện thấy có sự gia tăng gấp 10 lần sự phát triển ung thư hạch Hodgkin ở những anh em cùng giới tính của bệnh nhân bị u lympho Hodgkin. Điều này cho thấy vai trò của tương tác gen-môi trường trong khuynh hướng hình thành căn bệnh này.
  • Suy giảm miễn dịch: Những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau khi cấy ghép nội tạng, những người mặc bệnh tự miễn dịch và nhiễm HIV-ADIS có nguy cơ cao phát triển thành ung thư hạch Hodgkin.
  • Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV): Virus Epstein-Barr gây ra bệnh nhiễm trùng bạch cầu đơn nhân (thường được gọi là mono ). 
Nguyên nhân gây u lympho Hodgkin do vi rút EVB
Nguyên nhân gây u lympho Hodgkin do vi rút EVB

Những người có mono có nguy cơ mắc bệnh u lympho Hodgkin cao hơn so với những người không có mono nhưng vẫn là rất nhỏ (khoảng 1/1000).

Vai trò chính xác của EBV trong sự phát triển ung thư lympho Hodgkin vẫn chưa rõ ràng.

Ung thư hạch Hodgkin

Vậy Ung thư hạch Hodgkin có thể được ngăn ngừa không?

Rất ít yếu tố nguy cơ được biến đến đối với ung thư hạch Hodgkin có thể được thay đổi, vì vậy không thể ngăn ngừa hầu hết các trường hợp bệnh.

Nhiễm HIV-AIDS – một yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được. Vì thế, bạn cần bảo vệ mình tránh nhiễm virut này. Hãy đảm bảo sử dụng quan hệ tình dục an toàn (không quan hệ với nhiều đối tác và sử dụng bao cao su).

Một yếu tố nguy cơ khác là nhiễm vi-rút Epstein-Barr nhưng không có cách nào để ngăn ngừa nhiễm trùng này.

>>> XEM THÊM: Chia sẻ kinh nghiệm điều trị của bệnh nhân ung thư hạch hodgkin

Triệu chứng

Triệu chứng phổ biến nhất ung thư hạch lympho Hodgkin là sưng hạch bạch huyết, gây ra một khối u dưới da. Khối u này thường không đau nhưng đau có thể xảy ra khi bạn uống rượu. Nó có thể được hình thành ở một hoặc nhiều khu vực sau:

  • Ở bên cổ.
  • Ở nách.
  • Xung quanh háng.

Tuy nhiên, ung thư hạch Hodgkin không phải là nguyên nhân phổ biến nhất của sưng hạch bạch huyết. Đó cũng có thể là do nhiễm trùng hay một số căn bệnh ung thư khác. Vì thế, nếu bạn có đặc điểm này, tốt nhất vẫn là gặp bác sĩ để có thể tìm được nguyên nhân và điều trị đúng cách.

Các triệu chứng khác của ung thư hạch lympho Hodgkin bao gồm:

  • Sụt cân ngoài ý muốn.
  • Sốt cao
  • Đổ mồ hôi đêm.

Đây là nhóm triệu chứng ít phổ biến hơn so với sưng hạch bạch huyết. Triệu chứng này biểu hiện rõ ràng ở mức tối đa 30% bệnh nhân và thường hay gặp ở giai đoạn 3 đến 4 của bệnh.

Ngoài ra là một số triệu chứng không đặc hiệu:

  • Ngứa da mạn tính.
  • Mệt mỏi.
  • Đau ở các hạch bạch huyết sau khi uống rượu.
  • Lá lách to.
  • Ăn mất ngon.
  • Ho dai dẳng, khó thở, đau ngực (dấu hiệu này có thể xuất hiện khi bệnh tác động đến các hạch bạch huyết ở ngực).

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trên đây cũng đừng vội lo lắng bởi chúng cũng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh khác. Và bạn hãy tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh tình.

Ung thư hạch Hodgkin

Các giai đoạn của bệnh Ung thư hạch Hodgkin?

Căn cứ vào những kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn đang ở giai đoạn nào của ung thư.

Ung thư hạch Hodgkin có 4 giai đoạn, như sau:

  • Giai đoạn 1 – giai đoạn sớm: Ung thư được tìm thấy trong một vùng hạch bạch huyết hoặc chỉ được tìm thấy trong một khu vực của một cơ quan duy nhất.
  • Giai đoạn 2 – bệnh tiến triển tại chỗ: Ung thư được tìm thấy ở hai vùng hạch bạch huyết ở 1 bên của cơ hoành (cơ dưới phổi của bạn) hoặc ung thư được tìm thấy trong một vùng hạch bạch huyết cũng như trong một cơ quan lân cận.
  • Giai đoạn 3 – bệnh tiến triển: Ung thư được tìm thấy ở các vùng hạch bạch huyết phía trên và dưới cơ hoành hoặc trong một vùng hạch bạch huyết và trong một cơ quan ở hai bên đối diện với cơ hoành.
  • Giai đoạn 4 – bệnh lan rộng: Ung thư được  tìm thấy bên ngoài các hạch bạch huyết và đã lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể như tủy xương, gan hoặc phổi.

Bệnh Hodgkin được chẩn đoán như thế nào?

Để có thể chẩn đoán Ung thư hạch Hodgkin, các bác sĩ dựa trên những biện pháp sau:

Chẩn đoán lâm sàng

Để chẩn đoán về bệnh, bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng, các yếu tố nguy cơ, tiền sử gia đình bạn cùng những tình trạng sức khỏe liên quan khác.

Tiếp đó, bác sĩ sẽ thăm khám các hạch bạch huyết và các bộ phận khác của cơ thể có thể bị ảnh hưởng  (gan và lá lách).

Có thể tìm kiếm sự nhiễm trùng ở các phần cơ thể gần với hạch bạch huyết bị sưng hay làm thêm một vài xét nghiệm. Từ đó, sẽ loại trừ nguyên nhân nhiễm trùng (bởi nhiễm trùng là nguyên nhân chính yếu gây sưng hạch bạch huyết).

Sinh thiết

Các hạch bạch huyết bị sưng có thể bởi nhiễm trùng. Do đó, các bác sĩ thường đợi 1 vài tuần để xem chúng thu nhỏ lại không. Bạn cũng có thể được uống thuốc kháng sinh trong trường hợp này.

Nếu các hạch sưng này không bé lại hoặc tiếp tục phát triển thì cần sinh thiết chúng.

Đây là cách duy nhất để có một kết luận chắc chắn về bệnh

Chẩn đoán hình ảnh

Có thể sử dụng một hoặc kết hợp các phương pháp X-quang ngực, chụp cắt lớp CT, Chụp cộng hưởng từ - MRI, PET nhằm xác định tiến triển của ung thư hạch Hodgkin.

Một số các phương pháp khác

Xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ biết được tiến triển của bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Xét nghiệm chức năng tim và phổi sẽ được thực hiện nếu điều trị bởi các thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng đến các cơ quan này.

Ung thư hạch Hodgkin

Điều trị ung thư hạch Hodgkin

Cần căn cứ vào giai đoạn phát triển của bệnh, tình trạng bệnh nhân như độ tuổi, sức khỏe, mức độ và vị trí ung thư mà lựa chọn một phác đồ tối ưu nhất.

Hóa trị và xạ trị là 2 phương pháp chính để điều trị ung thư hạch Hodgkin. Tùy theo từng trường hợp mà có thể dùng một trong hai hoặc phối hợp cả 2 phương pháp này.

Ngoài ra, khi những phương pháp này trở nên không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được thay thế điều trị bằng liệu pháp miễn dịch hoặc cấy ghép tế bào gốc.

Chia sẻ của bệnh nhân ung thư hạch:

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị chính đối với hầu hết những người bị u lympho Hodgkin (trừ một số người có u lympho Hodgkin, ưu thế lymphocyte). 

Đôi khi hóa trị được sử dụng khi điều trị bằng xạ trị.

Xạ trị

Xạ trị là một phần của quá trình điều trị cho hầu hết người mắc bệnh u lympho Hodgkin. Đặc biệt khi ung thư hạch Hodgkin chỉ mới ở một phần của cơ thể.

Đối với ung thư hạch hodgkin cổ điển, xạ trị được dùng sau khi hóa trị, nhất là khi có khối u lớn (thường ở ngực).

Liệu pháp miễn dịch

Kháng thể đơn dòng trực tiếp tiêu diệt tế bào ung thư:  Một cách đơn giản, bạn có thể hiểu là kháng thể là những chất do hệ miễn dịch của bạn tạo ra nhằm đối đầu lại với các yếu tố gây hại. Và kháng thể đơn dòng là phiên bản nhân tạo của kháng thể.

Không như những phương pháp trên, kháng thể đơn dòng sẽ chỉ tấn công tế bào ung thư mà bỏ qua các tế bào khỏe mạnh.

Một số kháng thể đơn dòng hiện đang được sử dụng để điều trị: Brentuximab vedotin, Rituximab,…

Thuốc ức chế checkpoint: Checkpoint là thụ thể bề mặt  tế bào lympho T (bạn có thể coi nó là một phần trên bề mặt của tế bào miễn dịch này), có chức năng điều hòa tín hiệu tế bào và kìm hãm hoạt động của lympho T.

Trong vi môi trường ung thư, tế bào ung thư tăng cường sự biểu hiện các checkpoint này để tránh bị tấn công bởi hệ miễn dịch.

Do đó, ngăn cản hoạt động của các checkpoint này hứa hẹn đầy tiềm năng trong điều trị ung thư.

Ví dụ về các thuốc ức chế checkpoint là Nivolumab và pembrolizumab.

Ung thư hạch Hodgkin

Liệu pháp cấy ghép tế bào gốc và hóa trị liệu liều cao

Được sử dụng để điều trị ung thư hạch Hodgkin khó điều trị (không biến mất hoàn toàn sau khi hóa trị và/ hoặc bức xạ hay ung thư tái phát sau điều trị).

Sử dụng hóa trị liều cao sẽ tạo hiệu quả cao trong tiêu diệt nhiều tế bào ung thư. Tuy nhiên, hóa trị sẽ có tác dụng phụ là gây hại cho tủy xương của bạn mà tủy xương lại là nơi sản sinh ra các tế bào máu mới.

Vì thế, các bác sĩ thường phối hợp hóa trị liều cao với cấy ghép tế bào gốc (tế bào gốc tạo máu để tái tạo tủy xương) nhằm giảm thiểu tác dụng phụ này.

Có 2 loại cấy ghép tế bào gốc chính với các nguồn tế bào gốc tạo máu khác nhau:

- Tự ghép:

Các tế bào gốc này được lấy từ tủy hoặc máu của bệnh nhân trước khi điều trị. Sau đó, chúng được bảo quản đông lạnh rồi trở về cơ thể sau khi điều trị.

Vì tế bào của chính bệnh nhân nên không bị thải loại hay bị nhiễm bệnh từ người cho.

Tuy nhiên, các tế bào này thường không có khả năng chống tế bào ung thư và có thể mang theo tế bào ung thư trong số đó. Một quá trình sàng lọc loại bỏ tế bào ung thư được thực hiện. Nhưng chính quá trình này làm giảm số lượng tế bào gốc và làm tế bào gốc trở nên khó thích ứng với cơ thể hơn.

- Dị ghép:

Lấy tế bào gốc từ cơ thể khác tương hợp với bệnh nhân (thường là gia đình, họ hàng).

Trái ngược với phương pháp trên, ở đây những tế bào miễn dịch được tạo ra có thể giúp tiêu diệt các tế bào ung thư. Và sự tương thích là rất quan trọng.

Thông thường, dị ghép chỉ được sử dụng nếu tự ghép đã thử mà không thành công.

Điều trị u lympho hodgkin bằng cấy tế bào gốc
Điều trị u lympho hodgkin bằng cấy tế bào gốc
Ung thư hạch Hodgkin

Theo dõi sau quá trình điều trị

Ngay cả khi bạn đã hoàn thành điều trị HL nhưng đôi khi ung thư có thể quay lại ngay cả sau nhiều năm điều trị. Vì thế, bạn nên định kỳ đến kiểm tra tại các cơ sở ý tế để phát hiện kịp thời.

Với việc điều trị bằng các phương pháp xạ trị, hóa trị thì một số tác dụng phụ có thể kéo dài một thời gian hoặc mãi đến nhiều năm sau đó mới xuất hiện như giảm khả năng sinh sản, tổn thương phổi, gan hay thận, bệnh tim và đột quỵ,… Bạn nên lưu ý những biểu hiện bất thường của mình và gặp bác sĩ để được tư vấn.

Bạn cũng nên xây dựng cho mình 1 chế độ ăn uống khoa học. Nếu bạn đang suy nghĩ về việc sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào, bạn nên trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để đảm bảo mọi thứ đều được an toàn.

Dược sĩ Hương Mai

Xếp hạng: 4.1 (11 bình chọn)

Kinh nghiệm điều trị bệnh ung thư