Toàn bộ kiến thức về bệnh học Ung thư tuyến thượng thận

Mục lục [ Ẩn ]

Bạn biết gì về bệnh ung thư tuyến thượng thận? tuy là một căn bệnh hiếm gặp, khó phát hiện nhưng ung thư tuyến thượng thận mang lại nhiều mối nguy hiểm đối với sức khỏe, những rối loạn nặng về hormon và tính mạng của người bệnh. Cùng chuyên gia đi giải đáp toàn bộ kiến thức tổng quan nhất về bệnh lý này trong bài viết:

bệnh ung thư tuyến thượng thận
Bệnh ung thư tuyến thượng thận

Ung thư tuyến thượng thận là gì?

Tuyến thượng thận là một tuyến nội tiết nằm ở trên thận, mỗi bên thận đều có một tuyến thượng thận, như vậy cơ thể người có 2 tuyến thượng thận.

Ung thư tuyến thượng thận là tình trạng tế bào tại tuyến thượng thận tăng sinh mất kiểm soát tạo khối u ác tính và có khả năng di căn.

Ung thu tuyến thượng thận có thể chia thành ung thư nguyên phát (ung thư xuất phát từ tế bào của tuyến thượng thận) và ung thư thứ phát (ung thư di căn từ cơ quan khác của cơ thể).

Trong đó, ung thư nguyên phát thường được chia thành 3 thể chính như:

  • Ung thư vỏ thượng thận: Là thể ung thư phát triển từ các tế bào tuyến vỏ thượng thận.
  • Ung thư tủy thượng thận: Là thể ung thư phát triển từ các tế bào tuyến tủy thượng thận.
  • U nguyên bào thần kinh: Là thể ung thư thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 10 tuổi. Khi đó tủy thượng thận đang phát triển các tế bào thần kinh và có khả năng phát triển khối ung thư.
Ung thư tuyến thượng thận

Một số thông tin về dịch tễ

Ung thư tuyến thượng thận nguyên phát rất hiếm gặp. Tỉ lệ sống sót trên 5 năm của bệnh nhân ung thư tuyến thượng thận được ước tính là:

  • 65% khi khối u được phát hiện vẫn đang khu trú tại tuyến thượng thận
  • 44% khi khối u đã lan ra hạch bạch huyết lân cận
  • Và chỉ 7% khi khối u đã di căn ra các vùng khác trên cơ thể

Nguyên nhân gây ung thư tuyến thượng thận

Hiện nguyên nhân gây ung thư tuyến thượng thận chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các bác sĩ chỉ ra một số yếu tố có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư giúp bạn nâng cao ý thức để tầm soát và phòng ngừa bệnh như:

  • Các bất thường liên quan đến yếu tố di truyền: Một số hội chứng di truyền làm gia tăng nguy cơ ung thư tuyến thượng thận có thể kể đến như hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng đa u tuyến nội tiết, hội chứng Von Hippel Lindau,…
  • Các yếu tố liên quan đến lối sống, môi trường: do ung thư tuyến thượng thận hiếm gặp nên yếu tố môi trường và lối sống chưa được chứng minh rõ ràng về sự liên quan đến gia tăng nguy cơ ung thư hay không. Một số bác sĩ cho rằng việc hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư tuyến thượng thận.
Hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ ung thư tuyến thượng thận
Hút thuốc lá là nguy cơ gây ung thư tuyến thượng thận
Ung thư tuyến thượng thận

Triệu chứng ung thư tuyến thượng thận

Ung thư tuyến thượng thận là bệnh ung thư có biểu hiện khá phức tạp, triệu chứng của bệnh tùy thuộc vào tình trạng của khối u:

Trường hợp khối u không sản sinh hormon: triệu chứng của ung thư chỉ xuất hiện khi khối u đã lớn và chèn ép các cơ quan gần đó. Thông thường người bệnh sẽ có cảm giác đau ở khu vực gần khối u, rối loạn tiêu hóa do có cảm giác no nhanh, cảm giác đầy bụng,  hoặc luôn cảm thấy no,…

Trường hợp khối u sản sinh ra hormon: Cơ thể bệnh nhân sẽ có các triệu chứng liên quan đến rối loạn hormon. Các hormon thường được khối u sản sinh ra là hormon sinh dục (androgen, estrogen), cortisols, aldosteron. Cụ thể như sau:

Rối loạn do hormon sinh dục:

Các rối loạn hormon sinh dục có thể thấy dễ nhất ở trẻ em do hormon sẽ làm phát triển các đặc điểm chỉ xuất hiện khi trẻ bước vào thời kì dậy thì. Trẻ được nghi là mắc ung thư tuyến thượng thận nếu có các biểu hiện bất thường như:

  • Trẻ nam: Nếu khối u sản sinh androgen có thể phát triển dương vật bất thường, mọc râu, lông ngực,… Nếu khối u sản sinh estrogen có thể phát triển ngực bất thường.  
  • Trẻ nữ: Nếu khối u sản sinh estrogen, trẻ sẽ dậy thì sớm, có kinh nguyệt sớm. Nếu khối u sản sinh androgen trẻ sẽ bị mọc râu, lông dưới bất thường.

Với người lớn, nếu khối u sản sinh hormon sinh dục tương ứng với giới tính thì bệnh nhân hầu như không cảm thấy triệu chứng rõ rệt nào. Triệu chứng của bệnh sẽ chỉ xuất hiện khi khối u phát triển và chèn ép các cơ quan xung quanh.

Còn nếu khối u sản sinh hormon sinh dục không tương ứng với giới tính thì bệnh nhân nam sẽ có biểu hiện phát triển ngực, căng cứng ngực, rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục,… Còn bệnh nhân nữ sẽ có biểu hiện rụng tóc, hói đầu, mọc râu, rối loạn kinh nguyệt, thay đổi giọng nói,…

Rối loạn do cortisols:

Những rối loạn liên quan đến cortisols thường được mô tả với triệu chứng của hội chứng Cusing bao gồm:

  • Tích mỡ ở vùng cổ, mặt, gáy (mặt trăng tròn), tích mỡ ở vùng trung tâm (béo thân).
  • Tăng cân nhanh.
  • Chân tay gầy, teo cơ, yếu cơ.
  • Xương giòn, yếu, dễ gãy.
  • Phụ nữ mọc râu, có lông ngực cổ, chu kỳ kinh nguyêt không đều hoặc mất hẳn.
  • Dễ hình thành vết thâm tím trên người không rõ nguyên nhân.
  • Tăng đường huyết có thể phát triển thành đái tháo đường.
  • Tăng huyết áp

Rối loạn do aldosteron:

Các rối loạn do aldosteron thường gặp là: Tăng huyết áp, chuột rút, gạ Kali huyết, cảm thấy khát thường xuyên, tiểu tiện nhiều lần trong ngày,…

Ung thư tuyến thượng thận

Cách chẩn đoán ung thư tuyến thượng thận

Đến với các cơ sở y tế để khám bệnh, đầu tiền các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng để xem xét các triệu chứng và khoanh vùng các bệnh lý có thể gặp phải. Sau đó một số các phương pháp chẩn đoán khác sẽ được phối hợp như:

  • Sinh thiết mô tế bào: đây là phương pháp xác định chính xác tế bào khối u có phải ung thư hay không thông qua việc lấy tế bào từ mô và đánh giá.
  • Xét nghiệm xác định tiến triển của bệnh: Các biện pháp này bao gồm chụp X-quang, siêu âm, chụp CT, MRI với mục đích xác định vị trí khối u, kích thước, mật độ và mức độ xâm lấn của khối u với các mô xung quanh.
chụp CT xác định tiến triển bệnh ung thư tuyến thượng thận
Chụp CT xác định tiến triển bệnh ung thư tuyến thượng thận
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Là biện pháp để xác định nồng độ hormon cao bất thường trong máu và nước tiểu của bệnh nhân qua đó phát hiện được khối u có sản sinh hormon.
Ung thư tuyến thượng thận

Điều trị ung thư tuyến thượng thận

Cũng như nhiều loại ung thư khác, ung thư tuyến thượng thận có thể được điều trị bởi các phương pháp cổ điển như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Tùy thuộc vào vị trí, kích thước, giai đoạn bệnh, thể trạng của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị 1 hoặc phối hợp nhiều phương pháp điều trị.

Song song với phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, bệnh nhân cần được chăm sóc bằng các biện pháp hỗ trợ như giảm đau, dinh dưỡng, tâm lý,… giúp nâng cao thể trạng của người bệnh, giảm nhẹ các tác dụng không mong muốn do các phương pháp điều trị gây ra.

Ngoài ra tuyến thượng thận là một cơ quan nội tiết, do đó cần đánh giá lại chức năng của tuyến trước, trong và sau quá trình điều trị để có thể xây dựng một biện pháp điều trị thay thế hormon phu hợp với tình trạng của bệnh nhân.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về ung thư tuyến thượng thận, hy vọng thông qua bài viết đã giúp người đọc nắm được những kiến thức tổng quan nhất về căn bệnh.

Dược sĩ Hồng Thái

Xếp hạng: 4.5 (2 bình chọn)

Kinh nghiệm điều trị bệnh ung thư