Ung thư não là tình trạng trong não xuất hiện các tế bào bất thường, phát triển không kiểm soát được và hình thành nên các khối u. Đây là một căn bệnh ung thư hiếm gặp, chiếm khoảng 2 % các trường hợp ung thư trên toàn thế giới.
1. Tổng quan về ung thư não
1.1. Ung thư não là gì?
Ung thư não là một bệnh của não, trong đó các tế bào bất thường (tế bào ung thư) phát sinh trong mô não, phát triển và tạo thành một khối u. Khối u này chèn ép và gây trở ngại cho các chức năng thông thường của não như kiểm soát cơ xương, cảm giác, trí nhớ và các chức năng khác.
Không phải tất cả các khối u trong não đều giống nhau, ngay cả khi chúng phát sinh từ cùng một loại tế bào não. Thông thường, các tế bào này sẽ được chia thành 4 lớp, dựa vào tốc độ tăng trưởng của nó khi được quan sát dưới kính hiển vi, trong đó lớp I là lành tính nhất và lớp IV là nguy hiểm nhất.
Các khối u ác tính thì nguy hiểm hơn khối u lành tính. Tuy nhiên, ngay cả các khối u lành tính cũng gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu chúng phát triển đủ lớn để làm tăng áp lực nội sọ, làm cản trở lưu thông máu não hoặc lưu lượng dịch não tủy.
1.2. Phân loại ung thư não
Dựa vào nguồn gốc hình thành, ung thư não có thể được chia làm hai loại là ung thư não nguyên phát và ung thư não thứ phát. Trong đó, ung thư não thứ phát là trường hợp phổ biến hơn.
Ung thư não nguyên phát được hình thành từ chính bộ não hoặc trong các mô gần đó, chẳng hạn như màng não, dây thần kinh sọ, tuyến yên hoặc tuyến tùng. Loại ung thư này thường được đặt tên theo các tế bào mà khối u phát triển từ đó, thường gặp nhất là u thần kinh đệm, bao gồm u tế bào hình sao, u nguyên bào thần kinh đệm đa hình (GBM), u tế bào thần kinh đệm ít gai,...
Còn ung thư não thứ phát là tình trạng mà ung thư khởi phát ở một nơi nào đó trong cơ thể, sau đó di căn đến não và hình thành một khối u mới tại đây. Bất kỳ loại ung thư nào cũng có thể di căn đến não, thường gặp nhất là:
- Ung thư vú
- Ung thư ruột kết
- Ung thư thận
- Ung thư phổi
- U sắc tố da
Ung thư não thứ phát thường được đặt tên theo mô hoặc cơ quan mà khối u đầu tiên phát triển, ví dụ ung thư phổi di căn não hoặc ung thư vú di căn não,...
1.3. Dịch tễ học về ung thư não
Ung thư não nguyên phát được xếp vào nhóm ung thư hiếm gặp, với khoảng 250.000 người mắc mới mỗi năm trên toàn cầu, chiếm ít hơn 2% số ca ung thư trên toàn thế giới.
Ung thư não thứ phát thường gặp hơn ung thư não nguyên phát, trong đó ung thư phổi di căn lên não chiếm khoảng một nửa các trường hợp ung thư não di căn..
Với trẻ em dưới 15 tuổi, u não là căn bệnh ung thư phổ biến, chỉ đứng thứ hai sau bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính.
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của ung thư não
Cho đến nay, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh gây ra u não vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bệnh ung thư não có thể liên quan đến các yếu tố sau:
- Mắc một số hội chứng di truyền: hội chứng Turcot hoặc U sợi thần kinh (Neurofibromatosis).
- Từng tiếp xúc với bức xạ, đặc biệt là ở vùng đầu: điều trị phóng xạ ở bất kỳ mô / cơ quan nào của cơ thể cũng làm tăng nguy cơ phát triển các khối u não.
- Di căn từ khối u khác của cơ thể
Các yếu tố nguy cơ khác có thể kể đến như:
- Tuổi tác: tuổi càng cao, nguy cơ mắc ung thư não và các bệnh ung thư khác càng lớn.
- Tiền sử gia đình: Trong một gia đình có người đã bị ung thư não thì các thành viên còn lại cũng có nguy cơ cao mắc bệnh hơn bình thường
- Nhiễm HIV
- Hút thuốc lá
- Bức xạ từ môi trường: thường xuyên tiếp xúc với các vật liệu, đồ dùng gia dụng có điện từ trường và bức xạ (như điện thoại di động, lò vi sóng…) về lâu dài không tốt cho não, có thể tăng nguy cơ hình thành khối u não.
3. Triệu chứng và cách chẩn đoán của ung thư não
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư não thường là các dấu hiệu tổn thương thần kinh và não bộ dưới sự chèn ép của khối u trong não. Do đó các triệu chứng này thường thay đổi rất nhiều và phụ thuộc vào kích thước, vị trí và tốc độ tăng trưởng của các khối u não.
Các triệu chứng thường gặp nhất là:
- Cơn nhức đầu thường xuyên và dần trở nên nghiêm trọng
- Buồn nôn hoặc nôn không rõ nguyên nhân
- Gặp các vấn đề về thị lực, ví dụ như mờ mắt, nhìn đôi hoặc mất thị lực tạm thời
- Gặp các vấn đề về thính giác
- Mất dần cảm giác hoặc cử động tay / chân
- Dễ mất thăng bằng
- Khó khăn khi nói
- Nhầm lẫn trong các vấn đề hàng ngày
- Thay đổi tính cách hoặc hành vi
- Bị động kinh, đặc biệt là ở những người đã có tiền sử co giật
- Khi bệnh tiến triển nặng hơn người bệnh có thể bị bất tỉnh.
Ngay khi phát hiện bản thân mình có các dấu hiệu / triệu chứng kể trên, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để có thể được chẩn đoán và phát hiện chính xác bệnh. Cách các bác sĩ chẩn đoán ung thư não như sau:
- Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được hỏi về tiền sử bệnh lý và khám sức khỏe tổng quát, kết quả của bước này này sẽ xác định xem liệu có nên tiến hành các xét nghiệm khác hay không.
- Hai xét nghiệm thường được sử dụng nhất để phát hiện ung thư não là chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) hoặc chụp MRI (hình ảnh cộng hưởng từ) bởi chúng có độ chính xác và chi tiết cao, đồng thời có thể cho các bác sĩ chuyên khoa phát hiện chính xác những bất thường hoặc khối u trong não.
- Ngoài ra, việc chẩn đoán u não có thể thực hiện thông qua việc lấy mẫu mô (sinh thiết) bằng phẫu thuật hoặc chèn kim.
- Các xét nghiệm khác (đếm số lượng bạch cầu, nồng độ các chất điện giải, kiểm tra dịch não tủy để phát hiện tế bào bất thường, mức độ tăng áp lực nội sọ) có thể được thực hiện nhằm giúp xác định chính xác hơn tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
4. Các giai đoạn tiến triển của ung thư não
Để xác định sự tăng trưởng và phát triển của các khối u trong não, cũng như từ đó lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, ung thư não được chia thành 4 giai đoạn tiến triển, dựa vào đặc điểm của khối u và ảnh hưởng của nó lên chức năng của não.
Trong đó, các yếu tố chính được sử dụng để đánh giá các khối u não gồm:
- Kích thước và vị trí khối u
- Loại mô hoặc tế bào thần kinh bị ảnh hưởng
- Sự lây lan của ung thư trong não / tủy sống
- Mức độ di căn của ung thư ra ngoài não hoặc hệ thần kinh trung ương
- Khả năng phục hồi sau phẫu thuật
Sự phân chia giai đoạn phát triển ung thư não không giống với các bệnh ung thư khác: Các bệnh ung thư phổi, đại tràng, vú,.... thường được chia ra dựa trên các tiêu chí như vị trí khối u, kích thước,số lượng hạch bạch huyết có tế bào ung thư và sự di căn đến các mô, cơ quan xa khối u nguyên phát. Trong khi đó, các khối u trong não thường được phân loại dựa trên tốc độ tăng trưởng (mức độ ác tính) của các tế bào khối u khi được quan sát dưới kính hiển vi. Cụ thể như sau:
- Trong ung thư não cấp I, khối u phát triển chậm, hiếm khi lan vào các mô lân cận. Có thể loại bỏ hoàn toàn khối u bằng phẫu thuật.
- Trong ung thư não cấp II, khối u phát triển chậm, đã lan vào mô lân cận.
- Trong ung thư não cấp III, khối u phát triển nhanh chóng, có khả năng lây lan sang mô lân cận. Các tế bào khối u trông rất khác với các tế bào bình thường.
- Trong ung thư não cấp IV, khối u phát triển và lây lan rất nhanh, các tế bào khối u trông rất khác so với các tế bào bình thường.
5. Phương pháp điều trị ung thư não
Tương tự các chứng bệnh ung thư khác, việc điều trị ung thư não phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn của bệnh, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và sức khỏe bệnh nhân.
Hiện nay, phẫu thuật, xạ trị và hóa trị liệu vẫn là ba phương pháp điều trị đầu tay đối với bệnh ung thư não và phác đồ điều trị chính thường bao gồm sự kết hợp giữa các phương pháp điều trị này.
Phẫu thuật là biện pháp giúp loại bỏ tất cả các tế bào ung thư bằng cách cắt khối u ra khỏi mô não bình thường. Biện pháp này còn được gọi là phẫu thuật xâm lấn và bệnh nhân sẽ phải mở hộp sọ. Do đó, biện pháp này có mức độ rủi ro rất lớn, có thể gây tổn thương não hoặc tử vong.
Xạ trị là phương pháp sử dụng các bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào khối u. Trong điều trị u não, người ta sẽ sử dụng một chùm tia gamma (hoặc tia X) năng lượng cao, chiếu tập trung vào khu vực cần điều trị nhằm tránh làm tổn thương các khu vực khác. Do đó, phương pháp này còn được gọi là phẫu thuật xạ trị (radiosurgery).
Hóa trị là phương pháp sử dụng các thuốc độc tế bào để tiêu diệt các tế bào khối u. Các thuốc này sẽ được đưa vào não thông qua cột sống vào dịch não tủy qua cột sống hoặc qua một bể chứa được phẫu thuật đặt dưới da đầu kèm theo một ống vô trùng được đặt vào các buồng chứa chất lỏng trong não hoặc bằng cách tiêm tĩnh mạch,...
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể chỉ định các phương pháp điều trị khác như điều trị bằng nhiệt, liệu pháp miễn dịch,...
Việc điều trị triệu chứng của bệnh cũng rất quan trọng trong việc giảm thiểu những tai biến do ung thư não. Ví dụ, thuốc chống co giật có thể được chỉ định nếu bệnh nhân xảy ra động kinh. Trường hợp bị viêm hoặc sưng não, bệnh nhân sẽ được cho dùng dexamethasone và furosemide.
6. Chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân ung thư não
Bệnh nhân thường cảm thấy choáng váng, sợ hãi, lo lắng và buồn bã, thậm chí là rơi vào khủng hoảng sau khi chẩn đoán bị ung thư não. Đây là cảm xúc bình thường rất bình thường.
Tuy vậy, để quan trình điều trị bệnh đạt kết quả tốt nhất cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, cần có những hỗ trợ thiết thực và chăm sóc tâm lý phù hợp trong và sau khi chẩn đoán và điều trị ung thư.
Việc hỗ trợ có thể đến từ gia đình và bạn bè, chuyên gia y tế hoặc các dịch vụ hỗ trợ đặc biệt khác, nhưng trong đó gia đình là yếu tố quan trọng nhất.
>>> King Fucoidan & Agaricus - “Sát thủ” hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư từ Tảo & Nấm
Trên đây là những thông tin tổng quan nhất về bệnh học ung thư não. Hy vọng thông qua bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này. Để được tư vấn cụ thể về cách điều trị ung thư não, kiểm soát và phòng tái phát sau điều trị, mời bạn LIÊN HỆ HOTLINE: 18000069 ĐỂ NHẬN ĐƯỢC TƯ VẤN TỪ CHUYÊN GIA
Dược sĩ: Võ Văn Bình