Tại sao cần phải thở bụng?
Hầu hết chúng ta đang thở ngực tức là chỉ có cơ ngực hoạt động mà thôi. Kiểu thở này là thở cạn tức khí vào rất nông, chỉ 1 phần phổi, hiệu quả thở không cao do vậy không giúp cơ thể chống đỡ được bệnh tật. Để tăng cường sức khỏe, chúng ta cần thở bụng.
Thở bụng là kiểu thở giúp đưa khí đến phổi nhiều hơn. Tăng hiệu quả của việc thở. Do vậy đây cũng là phương pháp thở phổ biến tại các trung tâm thiền, yoga, khí công, trị liệu. Sau đây là 1 số tác dụng cụ thể của phương pháp thở bụng:
- Tăng cường hệ miễn dịch ( giúp tạo ra kháng thể để tiêu diệt vi trùng, vi khuẩn, tế bào ung thư... trong cơ thể )
- Cung cấp nhiều oxy cho các tế bào.
- Tuần hoàn não tốt hơn
- Xoa bóp nội tạng
- Giúp tiêu trừ một số bệnh nhất thời hoặc kinh niên
Kinh nghiệm chữa lành bệnh tật nhờ Thở Bụng
Trên thực tế, đã có nhiều bệnh nhân khỏe mạnh nhờ phương pháp này (bao gồm cả bệnh ung thư). Và nổi tiếng là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sinh năm 1913. Ông học trường Đại học Y khoa Hà Nội và học tiếp ở Pháp. Tiếp sau ông làm bác sĩ cho 1 bệnh viện lớn của Pháp. Năm 1942, Ông bị bệnh lao phổi nặng. Sau đó phải mổ 7 lần, cắt bỏ 8 xương sườn và toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái.
Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống chừng thêm hai năm. Nhưng ông đã tìm ra phương pháp thở bụng. Ông dùng nó để tự chữa cho mình và sống đến tuổi 85. Phương pháp thở của ông được coi là món quà để đời cho cộng đồng những người quan tâm đến sức khỏe. Ông đã tóm tắt lại phương pháp thở trong bài vè 12 câu như sau:
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!
Hướng dẫn cách Thở bụng từ chuyên gia Yoga
Bài vè hướng dẫn thở bụng của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là cách thở cơ bản. Để chi tiết hơn, chúng ta cùng đến với những hướng dẫn bài thở bụng 4 thì Yoga của thầy Mai Văn Như - Trưởng bộ môn Yoga, Thiền, Năng lượng, đồng Phó chủ nhiệm CLB Ứng Dụng Tiềm Năng Con Người TP.HCM hướng dẫn:
Nguyên tắc khi tập thở bụng:
- Tập trung, hợp nhất thân và tâm
- Sâu, đều, chậm rãi, êm dịu
- Thở ra thóp bụng, hạ cơ hoành thấp nhất .Hít vào phình bụng, nâng cơ hoành cao nhất.
CÁCH TẬP:
Bước 1: Chuẩn bị
- Đặt Bàn tay phải ở vùng bụng dưới.
- Ngón giữa tay phải đặt ở dưới rốn 3 cm.
- Khép nhẹ mắt và miệng, lưỡi để tự nhiên.
Bước 2: Bắt đầu tập
Hít thở bằng mũi. Tập từ thở bụng 2 thì, tăng dần đến 4 thì. Cụ thể:
- Nhủ thầm: “Tôi đang theo dõi hơi thở” khoảng 10 lần. Chú tâm vào bụng dưới, cảm nhận phồng, xẹp 3 ~ 5 ‘. Thở ra để bắt đầu.
- Thở 2 thì : Hít vào, thở ra đếm 1. Hít vào, thở ra đếm 2. Thở 10 lần như vậy.
- Thở 3 thì: Hít vào, ngưng thở, thở ra đếm 1. Hít vào, ngưng thở, thở ra đếm 2. Thở 10 lần như vậy.
- Thở 4 thì: Hít vào, ngưng thở, thở ra, ngưng thở đếm 1. Hít vào, ngưng thở, thở ra, ngưng thở đếm 2. Thở 10 lần như vậy.
Bước 3: Kết thúc
THƯ GIÃN từ 3 đến 5 phút.
CHÚ Ý: không thở 4 thì ngay từ đầu vì dễ mệt mà kém hiệu quả.
ÁP DỤNG:
- Mọi lúc, mọi nơi, ngồi, nằm, đứng, đi đều làm. Bất cứ khi nào nhớ ra.
- Tốt nhất là thở 4 thì. Nếu không được thì 2 hay 3 thì đều tốt.
- Khi cần thư giãn, dịu thần kinh, muốn dễ ngủ đều hiệu quả.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo hướng dẫn thở bụng 2 thì trong video sau:
Đến đây, chúng tôi hi vọng bạn đã có những kiến thức hữu ích cho mình. Và cuối cùng hãy chia sẻ thông tin này, vì sức khỏe của người thân và bạn bè bạn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Hà Thị Thúy Vân, Lê Ngọc Anh