Tổng quan về ung thư vú: Nguyên nhân, Dấu hiệu, và Cách điều trị

Mục lục [ Ẩn ]

Ung thư vú đang là căn bệnh phổ biến, chiếm tỷ lệ tử vong hàng đầu trong số các loại ung thư hay gặp ở nữ giới. Ước tính mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 14,1 triệu ca mắc mới ung thư, trong đó, riêng bệnh ung thư vú chiếm tới 1,2 triệu ca.

tổng quan về ung thư vú
Tổng quan về ung thư vú

1. Ung thư vú là gì?

Ung thư vú là tình trạng tế bào ung thư khởi phát tại vú. Các tế bào ung thư ác tính tập hợp thành khối u ác tính, chúng sinh sôi rất nhanh và di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể. Ung thư vú hầu hết xuất hiện ở nữ giới. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nam giới cũng có thể mắc bệnh này.

Theo cơ quan ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2012, có 1,67 triệu trường hợp mới mắc ung thư vú được chẩn đoán chiếm 25% tổng số các loại ung thư, trong đó có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở các nước công nghiệp hóa Bắc Mỹ, châu Âu. Tại Việt Nam, theo cơ quan ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2012, tỉ lệ mắc bệnh là 23/100000 phụ nữ.

sbc

2. Yếu tố nguy cơ gây ung thư vú là gì?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, tuy nhiên cũng có tới khoảng 50% trường hợp phụ nữ mắc ung thư vú mà không có yếu tố nguy cơ nào. Tuổi và nữ giới là hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ khác như tiền sử gia đình, di truyền, lối sống, môi trường sống…

Tiền sử gia đình

Nguy cơ mắc ung thư vú sẽ tăng lên 1,5 lần nếu bạn có mẹ hoặc chị hay em gái mắc ung thư vú, nguy cơ sẽ càng tăng cao nếu người mắc bệnh càng trẻ và số lượng người mắc trong gia đình càng đông.

Di truyền

Đột biến gen nhạy cảm ung thư vú BRCA1 và BRCA2 tăng nguy cơ ung thư vú rất rõ, gặp ở 5 – 10% trường hợp mắc ung thư vú. Trường hợp người phụ nữ nghi ngờ hay đã biết có đột biến gen này sẽ được tư vấn di truyền và các biện pháp tầm soát, phòng ngừa ung thư vú.

Nội tiết tố nữ

Tăng tiếp xúc với estrogen nội sinh (có kinh sớm, mãn kinh muộn, không sinh con hay sinh con đầu lòng trễ sau 30 tuổi, phụ nữ mãn kinh béo phì hay sử dụng nội tiết tố thay thế sau mãn kinh) tăng nguy cơ ung thư vú.

Bệnh lành tính tuyến vú

Nếu có tăng sản không điển hình tiểu thùy hay ống tuyến vú (ADH, ALH) làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú lên 4 – 5 lần.

Tăng đậm độ mô vú trên phim X-quang tuyến vú

Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng vì làm khó phát hiện ung thư vú

Yếu tố lối sống, chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống giàu chất béo, tình trạng thừa cân hay béo phì, ít vận động thế lực cũng là yếu tối nguy cơ của ung thư vú.

Uống rượu và hút thuốc lá đã được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư vú

Béo phì ở phụ nữ sau mãn kinh

Rất nhiều bệnh nhân phát hiện mắc ung thư vú khi gặp phải tình trạng béo phì ở độ tuổi sau mãn kinh.

Yếu tố môi trường tác động

Tiếp xúc với phóng xạ ion hóa trước 30 tuổi. Có thể gặp các trường hợp: xạ trị thành ngực để điều trị bệnh (vd: lymphoma Hodgkin), người có bệnh lý phải chụp Xquang nhiều lần…

​​​​sbc

3. Dấu hiệu nhận biết bạn bị ung thư vú là gì?

Bệnh ung thư vú giai đoạn đầu thường có triệu chứng nghèo nàn. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện nhiều hơn khi bệnh đang trong giai đoạn tiến triển.

ung thư vú
Ung thư vú

 

Một số dấu hiệu cảnh báo bạn bị ung thư vú bao gồm:
  • Chảy dịch núm vú
  • Đau vú
  • Da vú dày lên, sần sùi, viêm đỏ, núm vú bị tuột vào trong, sờ thấy hạch ở nách (thường gặp ở giai đoạn muộn)
  • Gãy xương, khó thở, bang bụng…(khi ung thư vú đã di căn)

4. Các phương pháp chẩn đoán ung thư vú

Sau khi hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, bác sỹ sẽ chỉ định cho bệnh nhân tiến hành một số xét nghiệm để chẩn đoán, bao gồm:

X – quang tuyến vú

Chụp X-quang tuyến vú một bên hoặc hai bên tùy theo chỉ định của bác sỹ điều trị. Đây là phương pháp phổ biến giúp quan sát cấu trúc của vú. Chụp X-quang tuyến vú mang ý nghĩa khẳng định chẩn đoán u ác tính.

Siêu âm tuyến vú và vùng nách

Phương pháp này giúp các bác sỹ quan sát được những thương tổn trong tuyến vú và nhận biết được mức độ lan rộng của khối u.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú

Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp bác sỹ phát hiện và phân biệt được những tổn thương lành tính hay ác tính và những di căn tới cơ quan khác như gan, thận, tụy, não, phổi, đường tiêu hóa, đường tiết niệu, tiền liệt tuyến, hệ thống xương… 

Siêu âm vùng cổ, bụng, xquang ngực hay có thể cần thực hiện xạ hình xương, CT scan ngực bụng để khảo sát di căn xa.

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) bướu vú hay sinh thiết lõi kim (Core-biopsy) bướu vú hay sinh thiết mở bướu vú.

Tất cả 3 phương pháp trên đều nhằm xác định tế bào học hay mô học bướu vú, tình trạng thụ thể nội tiết (đối với core – biopsy hay sinh thiết mở), giúp định hướng cho việc điều trị được hiệu quả. Ba phương pháp vừa nêu có độ xâm lấn tăng dần, cũng như độ nhạy và chuyên cũng tăng dần.

sbc

5. Các phương pháp điều trị ung thư vú

Các phương pháp điều trị ung thư vú hiện nay bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp điều trị bằng nội tiết…

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp phổ biến cho hầu hết các trường hợp. Phẫu thuật được thực hiện theo giai đoạn bệnh và mong muốn của bệnh nhân như cắt bỏ toàn bộ tuyến vú hay phẫu thuật bảo tồn như cắt rộng quanh bướu, người bệnh còn giữ được vú.

Ngoài ra còn có phẫu thuật tạo hình tuyến vú sau khi cắt bỏ toàn bộ mô vú hay kĩ thuật sinh thiết hạch lính gác giảm tỉ lệ nạo hạch nách cũng giúp giảm biến chứng do nạo hạch nách trên bệnh nhân ung thư vú.

Hóa trị

Hóa trị là biện pháp sử dụng thuốc nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể sử dụng trước hay sau phẫu thuật nhằm mục đích hỗ trợ điều trị. Hóa trị giúp làm thu nhỏ bướu hay có trường hợp sạch bướu trên đại thể, tạo thuận lợi cho phẫu thuật sau đó.

Hóa trị hỗ trợ sau phẫu thuật thường cho các trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi, bướu lớn, di căn hạch, bản chất sinh học loại tiên lượng kém.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ, sử dụng tia có năng lượng cao nhằm tiêu diệt, hạn chế sự phát triển của khối u. Xạ trị thường dùng hỗ trợ cho phẫu thuật và hóa trị, giảm tỷ lệ tái phát. Ngoài ra, xạ trị còn được chỉ định cho các trường hợp phẫu thuật bảo tồn vú, có hạch di căn, xâm lấn cơ ngực, phẫu thuật có diện cắt dương tính.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Phương pháp này sử dụng những thuốc đặc hiệu, có tác động lên tế bào ung thư mà ít ảnh hưởng tới tế bào bình thường. Những thuốc này có khuynh hướng ít tác dụng phụ hơn so với những thuốc hóa trị chuẩn.

Hiện nay, các bác sỹ thường sử dụng các thuốc nhắm trúng đích tác dụng HER2 (Human Epidermal growth factor Receptor 2) cho những bệnh nhân ung thư vú có biểu hiện thụ thể này.

Liệu pháp nội tiết

Với các trường hợp bệnh nhân bị ung thư vú có biểu hiện thụ thể estrogen hay progesterone, bác sỹ có thể chỉ định sử dụng thuốc nội tiết hàng ngày trong 5 – 10 năm nhằm mục đích giảm tái phát và tăng tỷ lệ sống còn cho bệnh nhân.

sbc

6. Tiên lượng ung thư vú

Theo hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống còn 5 năm của bệnh nhân ung thư vú như sau:

  • Giai đoạn 0 – I: Xấp xỉ 100%

  • Giai đoạn II: 93%

  • Giai đoạn III: 72%

  • Giai đoạn IV: 22%

Tùy vào từng giai đoạn tiến triển của ung thư vú, mà người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị khác nhau. Gọi ngay tới tổng đài miễn cước 18000069 để được chuyên gia tư vấn miễn phí giải pháp điều trị ung thư vú đúng, đạt hiệu quả tích cực nhất.

Xếp hạng: 3.3 (3 bình chọn)

Kinh nghiệm điều trị bệnh ung thư