1. Ung thư bàng quang là gì?
Ung thư bàng quang là tình trạng tế bào ung thư khởi phát ở trong bàng quang. Ung thư bàng quang là bệnh ung thư phổ biến thứ mười đối với nam giới ở Việt Nam. Bệnh phổ biến hơn ở nam giới và thường xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi.
Theo số liệu thống kê của viện nghiên cứu phòng chống ung thư (năm 2010), số ca mắc ung thư bàng quang ước tính đạt 1.276 ca và dự kiến tiếp tục tăng lên khoảng 1.479 ca trong năm 2020.
2. Yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang là gì?
Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang phải kể đến như:
- Tuổi: Tuổi tác càng cao càng làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Ung thư bàng quang thường ít xuất hiện ở những người trẻ hơn 40.
- Chủng tộc: Những người da trắng có nguy cơ bị ung thư bàng quang nhiều hơn những người có màu da khác.
- Giới tính: Nam giới có nhiều khả năng mắc ung thư bàng quang hơn nữ giới.
- Hút thuốc lá: Theo báo cáo năm 2010 của Tổng hội Y khoa Hoa kỳ, khói thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Thế nhưng nhiều người hút thuốc vẫn mơ hồ về tác hại thực sự của thuốc lá.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Thận là cơ quan có chức năng lọc hóa chất độc hại từ máu và vận chuyển chúng xuống bàng quang. Một số hóa chất độc hại có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang. Các hóa chất điển hình bao gồm: Asen, hóa chất dùng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và sơn. Những người sử dụng thuốc cyclophosphamide cũng làm tằn nguy cơ mắc ung thư bàng quang.
- Xạ trị: Những bệnh nhân ung thư phải xạ trị vào vùng xương chậu cũng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang thứ phát.
- Viêm bàng quang mạn tính: Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư bàng quang tế bào vảy.
- Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có bệnh nhân bị bệnh ung thư bàng quang, có thể tăng nguy cơ của bệnh, mặc dù hiếm bệnh ung thư bàng quang trong gia đình. Lịch sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (HNPCC), còn gọi là hội chứng Lynch, có thể làm tăng nguy cơ ung thư trong hệ thống tiết niệu, cũng như trong đại tràng, tử cung, buồng trứng và các cơ quan khác.
3. Dấu hiệu nhận biết bạn bị ung thư bàng quang
Những dấu hiệu cảnh báo bạn có thể bị ung thư bàng quang bao gồm:
- Nước tiểu có máu: Nước tiểu có thể có màu vàng sậm, đỏ tươi, hay màu nâu, hoặc nước tiểu bình thường nhưng quan sát dưới kính hiển vi có tế bào hồng cầu
- Đi tiểu nhiều lần, đái rắt
- Đau khi đi tiểu
- Nhiễm trùng đường tiết niệu tái diễn
- Đau bụng
- Đau hông, lưng
Đây không phải là những dấu hiệu mang tính chất chẩn đoán chính xác ung thư bàng quang. Các dấu hiệu trên cũng có thể xuất hiện khi mắc một số bệnh khác như: nhiễm khuẩn, u lành tính, sỏi bàng quang… Khi gặp những dấu hiệu bất thường như trên, bạn nên tới các cơ sở y tế để kiểm tra.
4. Các phương pháp chẩn đoán ung thư bàng quang
Khi hỏi bệnh, nếu phát hiện bệnh nhân có những dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư bàng quang, bác sỹ có thể chỉ định cho làm các xét nghiệm chẩn đoán như:
- Khám lâm sàng: Bác sỹ khám bụng và hố chậu nhằm mục đích tìm khối u.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu để tìm xem có máu, tế bào ung thư hay các dấu hiệu bất thường khác có trong nước tiểu hay không.
- Chụp thận – niệu quản: Bác sỹ sẽ sử dụng thuốc cản quang để tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân. Thuốc cản quang tích tụ lại trong nước tiểu sẽ giúp làm hiện lên hình ảnh của bàng quang trên phim X – quang.
- Soi bàng quang: Phương pháp này giúp bác sỹ quan sát bên trong bàng quang.
- Sinh thiết: Đây là phương pháp chẩn đoán chính xác ung thư hiện nay. Bác sỹ sẽ giải phẫu bệnh và quan sát mẫu mô dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư.
5. Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang
Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang hiện nay bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch… Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sỹ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến. Tùy theo kích thước khối u, vị trí khối u mà bác sỹ có thể đưa ra những chỉ định khác nhau như:
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Cắt bỏ khối u bàng quang qua đường niệu đạo được chỉ định khi khối u giới hạn ở các lớp bên trong của bàng quang.
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u và một phần của bàng quang: Bác sỹ sẽ loại bỏ phần bàng quang có chứa tế bào ung thư.
- Phẫu thuật cắt bỏ bàng quang: Nếu ung xâm lấn rộng, người bệnh có thể phải cắt bỏ toàn bộ bàng quang và hạch bạch huyết xung quanh.
- Phẫu thuật đặt túi chứa nước tiểu: Ngay sau khi cắt bỏ bàng quang, bác sỹ sẽ đặt túi chứa nước tiểu để đưa nước tiểu ra ngoài.
Hóa trị
Hóa trị là biện pháp sử dụng thuốc nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị thường được dùng sau phẫu thuật, nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể, giảm sự phát triển của khối u hoặc giảm triệu chứng bệnh.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia có năng lượng cao (tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư.
Liệu pháp miễn dịch
Là phương pháp điều trị sử dụng hệ miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách kích thích, hỗ trợ hệ miễn dịch của chính cơ thể người bị bệnh bằng một số yếu tố bổ sung hoặc đưa từ bên ngoài vào; thường được các bác sĩ sử dụng kết hợp cùng các phương pháp điều trị khác nhằm:
- Tăng sức đề kháng, sức chống chọi của cơ thể với các tế bào ung thư.
- Giảm tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị.
- Giúp bệnh nhân nhanh hồi phục, tránh các nhiễm trùng sau phẫu thuật.
- Tăng hiệu quả điều trị.
6. Tiên lượng ung thư bàng quang
Tỷ lệ sống trong năm năm của bệnh nhân ung thư bàng quang không xâm lấn cơ là 95%, xâm lấn cơ là 50%, di căn xa là 6%. Tỷ lệ sống trung bình của bệnh nhân ung thư bàng quang không xâm lấn cơ là 10 năm với quá trình tiến triển tự nhiên với tái phát là không xâm lấn cơ hoặc xâm lấn cơ. Tỷ lệ tái phát của khối u không xâm lấn cơ là 60%- 70% các ca, khoảng 1/3 tiến triển đến giai đoạn cao hơn.
Ung thư bàng quang là căn bệnh nguy hiểm, những tác động và ảnh hưởng của căn bệnh này là không hề nhỏ đối với cuộc sống của người bệnh. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào liên quan đến ung thư bàng quang, mời bạn gọi điện đến hotline miễn cước 18000069 để gặp chuyên gia nghe tư vấn chi tiết.