1. Ung thư nội mạc tử cung là gì?
Ung thư nội mạc tử cung là tình trạng tế bào ung thư khởi phát tại tử cung hay dạ con. Tử cung bao gồm lớp niêm mạc tử cung còn được gọi là lớp nội mạc tử cung và lớp cơ.
Tỷ lệ nữ giới mắc ung thư nội mạc tử cung trung bình ở Châu Âu và Bắc Mỹ là 15/ 100.000 dân. Độ tuổi mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung lớn hơn ung thư cổ tử cung và khoảng 75% ung thư nội mạc tử cung xuất hiện trong thời kỳ mãn kinh.
2. Yếu tố nguy cơ gây ung thư nội mạc tử cung là gì?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung bao gồm:
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống nhiều chất béo làm tăng nguy cơ gây ung thư nội mạc tử cung và các loại ung thư khác. Chất béo làm tăng nguy cơ gây béo phì – một yếu tố nguy cơ của ung thư nội mạc tử cung.
- Đái tháo đường: Phụ nữ bị đái tháo đường có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn 4 lần phụ nữ khỏe mạnh.
- Tăng huyết áp
- Không có con
- Mãn kinh trễ
- Tiền sử gia đình: Gia đình có người thân mắc ung thư nội mạc tử cung hay ung thư đại trực tràng sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung. Nhiều thành viên trong gia đình mang gen bất thường làm giảm sự sửa chữa DNA của cơ thể, dẫn đến gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng cũng như ung thư nội mạc tử cung. Những phụ nữ mắc hội chứng này có 40%-60% nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung.
- Tăng sản nội mạc tử cung
- Xạ trị vùng chậu: Xạ trị là phương pháp giúp tiêu diệt tế bào ung thư, tuy nhiên nó cũng có thể làm tổn thương AND của tế bào bình thường, và làm tăng nguy cơ gây ung thư thứ phát như ung thư nội mạc tử cung.
- Điều trị bằng thuốc Tamoxifen: Tamoxifen là một thuốc dùng để điều trị ung thư vú. Thuốc Tamoxifen hoạt động như là một chất anti-estrogen ở mô vú, tuy nhiên lại hoạt động như estrogen ở mô tử cung. Ở những phụ nữ mãn kinh thì tamoxifen làm tăng sản niêm mạc tử cung, và khiến gia tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
3. Dấu hiệu nhận biết bạn bị ung thư nội mạc tử cung
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân bị ung thư nội mạc tử cung thường có triệu chứng nghèo nàn, các triệu chứng chỉ xuất hiện nhiều khi bệnh đã tiến triển xa. Các dấu hiệu, triệu chứng hay gặp bao gồm:
- Xuất huyết âm đạo thời kỳ mãn kinh hoặc sau mãn kinh;
- Huyết trắng kéo dài (khoảng 10%);
- Đau hạ vị, đau lưng do thân tử cung bị xơ hóa hoặc u bướu xâm nhiễm vào vùng thần kinh;
- Tử cung gồ ghề, ứ mủ, tiểu ra máu (thường ở giai đoạn muộn).
4. Các phương pháp chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung
Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh và khám tổng quát cũng như khám kĩ vùng chậu. Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán chắc chắn như:
- Siêu âm: Phương pháp này giúp bác sỹ xem xét được độ dày, kết cấu của nội mạc tử cung, nhận diện thương tổn hay những dấu hiệu bất thường trước khi sinh thiết nội mạc tử cung.
- Sinh thiết nội mạc tử cung: Đây là tiêu chuẩn vàng để giúp bác sỹ xác định chính xác bệnh nhân có bị ung thư nội mạc tử cung hay không. Các bác sỹ sẽ tiến hành sinh thiết mẫu tế bào bên trong tử cung để phân tích tìm kiếm tế bào ác tính.
- Các xét nghiệm nhằm khảo sát sự di chuyển của ung thư tới các mô khác như: X-quang ngực, CT Scan, MRI, PET.
- Xét nghiệm định lượng chất chỉ điểm ung thư CA-125 trong máu.
5. Các phương pháp điều trị ung thư nội mạc tử cung
Một số phương pháp điều trị ung thư nội mạc tử cung thường được áp dụng như:
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư nội mạc tử cung tối ưu nhất. Các bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng cũng như hệ thống hạch bạch huyết để tế bào ác tính không lây lan rộng.
Xạ trị
Xạ trị là biện pháp điều trị được áp dụng sau khi bệnh nhân được phẫu thuật. Phương pháp này giúp ngăn chặn nguy cơ bệnh tái phát hoặc ngăn tế bào ung thư phát triển lây lan đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Hóa trị
Hóa trị liệu là sử dụng hóa chất đưa vào cơ thể người nhằm mục đích cô lập và tiêu diệt tế bào ung thư. Mỗi đợt hóa trị chỉ tiêu diệt một tỉ lệ nhất định các tế bào ung thư, nếu khối u quá to thì hóa trị sẽ không hiệu quả bởi vì tốc độ sản sinh tế bào ung thư mới nhanh hơn số lượng bị tiêu diệt.
Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone thường được sử dụng để điều trị cho những người đang trong độ tuổi sinh đẻ và muốn bảo toàn khả năng làm mẹ nên không thực hiện cắt bỏ tử cung. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng hormone progesterone để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư ác tính.
Liệu pháp miễn dịch
Là phương pháp điều trị sử dụng hệ miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách kích thích, hỗ trợ hệ miễn dịch của chính cơ thể người bị bệnh bằng một số yếu tố bổ sung hoặc đưa từ bên ngoài vào; thường được các bác sĩ sử dụng kết hợp cùng các phương pháp điều trị khác nhằm:
- Tăng sức đề kháng, sức chống chọi của cơ thể với các tế bào ung thư
- Giảm tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị
- Giúp bệnh nhân nhanh hồi phục, tránh các nhiễm trùng sau phẫu thuật
- Tăng hiệu quả điều trị
6. Tiên lượng ung thư nội mạc tử cung
Bệnh nhân bị ung thư nội mạc tử cung, nếu được điều trị tốt đúng cách tỷ lệ sống 5 năm là:
- GĐ I: 90%,
- GĐ II: 75%,
- GĐ III: 31%,
- GĐ IV: 9,1%.
Ung thư nội mạc tử cung là căn bệnh phụ khoa nguy hiểm nhưng phổ biến ở phụ nữ. Vì thế, chị em cần nắm được kiến thức tổng quát về bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp cho mình. Nếu phát sinh bất cứ câu hỏi nào liên quan về bệnh, mời bạn gọi đến hotline miễn cước 18000069 gặp chuyên gia.