Kiến thức tổng quan về Ung thư tiền liệt tuyến

Mục lục [ Ẩn ]
Ung thư tiền liệt tuyến là căn bệnh nguy hiểm và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Mặc dù, có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán sớm và điều trị nhưng ung thư tuyến tiền liệt vẫn là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau ung thư phổi trong số các bệnh ung thư ở nam giới.
ung thư tiền liệt tuyến
Hình ảnh ung thư tiền liệt tuyến

1. Ung thư tiền liệt tuyến là gì?

Ung thư tuyến tiền liệt hay còn gọi là ung thư tiền liệt tuyến là một dạng của ung thư khởi phát trong tuyến tiền liệt, một tuyến trong hệ sinh dục nam. Ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm, mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán sớm và điều trị nhưng ung thư tuyến tiền liệt vẫn là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau ung thư phổi trong số các bệnh ung thư ở nam giới.

Theo dữ liệu của Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu Globocan (năm 2012), tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới là 3,4/ 100 000 người, và tỷ lệ nam giới chết vì ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới là 2,5/ 100 000 người.

ung thư tiền liệt tuyến

2. Yếu tố nguy cơ gây ung thư tiền liệt tuyến?

Những yếu tố gây ung thư tiền liệt tuyến bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: Nếu gia đình có người mắc ung thư tiền liệt tuyến sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến của nam giới trong gia đình.
  • Chế độ ăn uống nhiều mỡ bão hòa, hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.
  • Bệnh liên quan đến biến đổi nhiễm sắc thể cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến như: Hội chứng Lynch, đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2), tuy nhiên chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.
  • Môi trường ô nhiễm: Những người làm việc trong ngành cao su, vải sợi, hay tiếp xúc với cadmium dễ bị bệnh ung thư tiền liệt tuyến.
ung thư tiền liệt tuyến

3. Dấu hiệu cảnh báo bạn bị ung thư tiền liệt tuyến

Ung thư tiền liệt tuyến ở giai đoạn sớm thường không ghi nhận triệu chứng bất thường. Khi ung thư tiền liệt tuyến tiến triển, có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Tiểu khó, dòng nước tiểu yếu hoặc chậm, tiểu nhiều lần đặc biệt là ban đêm;
  • Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch;
  • Rối loạn cương dương;
  • Đau vùng hông, cột sống lưng, xương sườn vùng ngực hoặc những xương khác mà ung thư có thể di căn đến.
  • Tê bì, yếu cẳng chân hoặc bàn chân.

Các triệu chứng kể trên có thể được gây ra bởi những nguyên nhân khác, không phải ung thư tiền liệt tuyến. Để xác định chính xác bạn có bị ung thư tiền liệt tuyến hay không, cần phải tiến hành các xét nghiệm đặc hiệu khác.

ung thư tiền liệt tuyến

4. Các phương pháp chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến

Các phương pháp chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến bao gồm:

  • Thăm khám trực tràng: Được thực hiện nhẹ nhàng vì ung thư tiền liệt tuyến có thể gây đau đớn. Bệnh nhân có một khối u lớn thể nhân, cứng, có hình dạng của tuyến tiền liệt nhưng ranh giới của nó không rõ ràng. Những rãnh bên đầy lên và đường lõm giữa của tuyến bị xóa hẳn. Khi tiến triển chưa trầm trọng thì chẩn đoán không phải dễ dàng.
  • Siêu âm tuyến tiền liệt: Siêu âm cung cấp hình ảnh của bờ viền và của thể tích tuyến tiền liệt, và các cơ quan lân cận như bàng quang, túi tinh. Siêu âm là phương pháp đáng tin cậy, cho phép phát hiện ra ung thư nhỏ và hướng dẫn lấy sinh thiết.
  • Sinh thiết: Đây là phương pháp giúp khẳng định chẩn đoán bệnh nhân có bị ung thư tuyến tiền liệt hay không.
  • Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư PSA: Xét nghiệm PSA là xét nghiệm sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt, nếu chỉ số PSA trên 20 ng/ml là dấu hiệu bệnh nhân có thể mắc ung thư tiền liệt tuyến. PSA còn có giá trị để đánh giá kết quả điều trị và theo dõi tái phát sau điều trị.

Ngoài ra, bệnh nhân còn được thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Chụp đường niệu: Để đánh giá chức năng và hình thái của đường ngoại tiết;
  • Chụp cắt lớp vi tính vùng ổ bụng và khung chậu: Nhằm xác định thể tích khối u tiền liệt tuyến, mối liên quan u với bàng quang vùng tuyến tiền liệt, ảnh hưởng của u đến các bộ phận phía trên, xác định hạch xâm lấn, đánh giá đúng về thể tích hạch.
  • Phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác để đánh giá sự tiến triển, di căn của ung thư tiền liệt tuyến như: Xạ hình xương, CT-scan, MRI.
ung thư tiền liệt tuyến

5. Các phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến

Các phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến bao gồm:

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt chỉ định với trường hợp khối u khu trú tại chỗ, có khả năng phẫu thuật lấy toàn bộ tuyến tiền liệt, bệnh nhân không có các bệnh nặng khác phối hợp. Phẫu thuật cũng được áp dụng với trường hợp u tái phát sau xạ trị ngoài, xạ áp sát, không có di căn xa.
  •  Điều trị nội tiết: Phương pháp điều trị nội tiết nhằm mục đích loại bỏ androgen, đây chính là yếu tố kích thích sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp này có thể thực hiện bằng cách cắt bỏ tinh hoàn hai bên và dùng thuốc kháng androgen.
  • Hóa trị: Hóa trị được sử dụng khi điều trị ung thư tiền liệt tuyến bằng nội tiết thất bại. Hóa trị ít được sử dụng trong ung thư tiền liệt tuyến vì tính hiệu quả không cao.
  • Xạ trị: Có 2 phương pháp xạ trị hay gặp là xạ trị ngoài và xạ trị áp sát
ung thư tiền liệt tuyến

6. Tiên lượng ung thư tiền liệt tuyến

Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ sống sau 5 năm cho các giai đoạn ung thư tiền liệt tuyến như sau:

- Tỷ lệ sống còn 5 năm là 99%

- Tỷ lệ sống còn 10 năm là 98%

- Tỷ lệ sống còn 15 năm là 96%

- Tỷ lệ sống sau 5 năm được đánh giá theo từng giai đoạn ung thư của bệnh nhân.

Giai đoạn
Tỷ lệ sống sau 5 năm
I và II
Khoảng 100%
III và IV (không có di căn)
Khoảng 100%
IV (di căn đến hạch lympho xa, xương, những cơ quan khác-M1)
Khoảng 29%

Mong rằng với những chia sẻ hữu ích bên trên về căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến sẽ giúp bạn có thêm những thông tin cần thiết về căn bệnh này. Nếu phát sinh thêm bất cứ câu hỏi nào liên quan, bạn có thể gọi điện đến tổng đài miễn cước 18000069 để gặp chuyên gia nghe tư vấn cụ thể.

Xếp hạng: 4.5 (2 bình chọn)

Kinh nghiệm điều trị bệnh ung thư